Dự án | Khắc phục ô nhiễm Môi trường tại Sân bay Biên Hòa |
Hạng mục công việc | Thử nghiệm công nghệ hóa cơ |
Địa điểm | Sân bay quân sự Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai |
Chủ đầu tư | Văn phòng Ban chỉ đạo 33 thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường |
Nhà tài trợ | Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) |
Thời gian thực hiện | Từ 2011 đến tháng 11/2012 |
Thông tin sơ bộ về Dự án
Sân bay Biên Hoà là một căn cứ chính của chiến dịch Ranch Hand tại miền Nam Việt Nam. Các nghiên cứu trước đây cho thấy mức độ ô nhiễm dioxin tại Biên Hoà là rất cao. Mật độ dân cư cao là nguyên nhân làm cho Biên Hòa được coi là một trong những vùng ô nhiễm trọng điểm, là nơi rủi ro đối với sức khỏe con người do ô nhiễm dioxin gây ra và cần được quan tâm hàng đầu. Theo các số liệu gần đây do quân đội Mỹ cung cấp, có khoảng hơn 98.000 thùng phi (loại 205 lít) chất da cam, 45.000 thùng chất trắng và 16.000 thùng chất xanh đã được lưu trữ và sử dụng tại Biên Hòa. Hơn 11.000 thùng chất diệt cỏ đã được vận chuyển từ Biên Hòa trong chiến dịch Pacer Ivy vào năm 1970. Các chương trình lấy mẫu trước kia tập trung vào việc đánh giá và làm giảm mức độ ô nhiễm của dioxin tại khu vực trung tâm phía Nam của sân bay Biên Hòa cũng như tại các hồ ở phía Nam của sân bay (hồ Sân Bay, hồ Biên Hùng). Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga đã phân tích một số mẫu đất và mẫu trầm tích tại Biên Hòa. Công ty Hatfeld và Ban 10-80 (2007) đã cung cấp các thông tin về ô nhiễm dioxin ở khu vực vành đai phía ngoài sân bay Biên Hòa.
Cũng trong khuôn khổ dự án “Xử lý ô nhiễm dioxin tại các điểm nóng tại Việt Nam” của UNDP-Văn phòng Ban chỉ đạo 33, một trong những nội dung hoạt động của dự án là tiến hành thử nghiệm 1 loại công nghệ có khả năng áp dụng cho xử lý đất nhiễm dioxin tại Việt Nam. Sau quá trình lựa chọn, công nghệ phân hủy hóa cơ (MCD) của công ty EDL New Zealand đã được đưa vào thử nghiệm tại sân bay Biên Hòa vào năm 2011.
Trong phạm vi hoạt động thử nghiệm công nghệ, Công ty Trí Việt đã cùng với đối tác liên doanh của mình thực hiện toàn bộ nhiệm vụ hỗ trợ tại Việt Nam bao gồm: lựa chọn vị trí đặt trạm thử nghiệm, xây dựng và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho thử nghiệm (hệ thống điện, nước,…), tiến hành công tác đào xúc hơn 100m3 đất nhiễm và chuyển tới trạm thử nghiệm, cắt cử kỹ sư có chuyên môn phối hợp làm việc cùng chuyên gia của nhà thầu EDL trong suốt quá trình thử nghiệm.
Công tác thử nghiệm đã được hoàn tất vào tháng 11 năm 2012 và báo cáo thử nghiệm đã được trình bày trong Hội thảo chuyên môn vào tháng 1 năm 2013.